Tết Trung thu không chỉ có những mâm cỗ tròn đầy, những chiếc đèn lồng rực rỡ sắc màu, những chú lân kiêu hãnh mà còn có những câu chuyện lấp lánh sắc màu cổ tích đọng lại trong lòng mỗi người từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mỗi nền văn hóa lại có một câu chuyện khác nhau như Hằng Nga bay lên cung trăng, chú Cuội ngồi gốc đa hay Thỏ Ngọc giã thuốc,… tất cả đều góp phần làm nên bản sắc huyền ảo của lễ hội trăng rằm.
Hằng Nga bay lên cung trăng – Truyền thuyết Trung Quốc
Một trong những truyền thuyết nổi tiếng nhất tại Trung Quốc là câu chuyện về Hằng Nga – Hậu Nghệ. Theo thuyết xưa, cùng lúc có mười mặt trời chiếu sáng khiến mặt đất bị thiêu đốt nóng bỏng. Hậu Nghệ khi ấy là một cung thủ tài ba đã bắn rơi hết chín mặt trời , chỉ để lại một chiếc duy nhất mang lại sự sống cho nhân gian. Để đáp lại công lao của chàng, vua Nghiêu đã tặng chàng một viên thuốc trường sinh và dặn dò phải tu tâm mới có thể sử dụng sau một năm nữa.
Tuy nhiên viên thuốc này đã bị kẻ xấu nhòm ngó và nhân lúc Hậu Nghệ không có nhà, chúng đã ép Hằng Nga – vợ của Hậu Nghệ – phải giao nộp viên thuốc. Lo sợ viên thuốc rơi vào tay kẻ xấu, Hằng Nga đã tự mình uống viên thuốc và bị bay lên cung trăng. Từ đó nàng phải sống vĩnh viễn trên đó và không thể trở về nhân gian được nữa. Vì đau lòng cho vợ mình, Hậu Nghệ đã bày những món mà nàng thích vào ngày tết Trung thu – khi trăng rằm sáng nhất – như một cách để tưởng nhớ và cầu mong sẽ có ngày được đoàn viên.
Kể từ đó, vào ngày rằm tháng Tám, người ta bày cỗ ngắm trăng, chỉ cho nhau xem bóng mờ trên mặt trăng chính là Hằng Nga và mong rằng vợ chồng Hậu Nghệ – Hằng Nga sớm ngày gặp lại.

Chú Cuội cung trăng – Truyện dân gian Việt Nam
Theo truyền thuyết dân gian, chú Cuội sống bằng nghề hái thuốc và đã vô tình phát hiện ra loại thuốc có khả năng hồi sinh người chết. Anh mang cây về trồng trong sân nhà và dặn vợ không được tưới cây bằng các loại nước bẩn. Một lần đi vắng, vợ của chú Cuội bị người xấu vào nhà hại chết. Khi trở về, anh đã vội vàng hồi sinh vợ mình bằng cây thuốc thần, nhưng phải lấy bộ phận của động vật để thay thế, khiến vợ anh mắc chứng đãng trí. Một hôm, vợ Cuội lỡ lời quên dặn, tưới cây bằng nước dơ khiến cây bật gốc và bay lên trời. Cuội chạy đến níu giữ nhưng bị kéo theo lên tận cung trăng.
Từ đó, mỗi khi trăng tròn, người ta lại thấy bóng chú Cuội ngồi dưới gốc đa, mắt dõi về nhân gian.
Thời thơ ấu, đứa trẻ nào cũng sẽ được các bà các mẹ kể cho nghe câu chuyện chú Cuội cung trăng. Và câu chuyện ấy được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, như một linh vật gắn liền với tuổi thơ và mang trong mình thông điệp nhẹ nhàng về sự chờ đợi, lòng trung thành và tình cảm gia đình.

Thỏ Ngọc giã thuốc – Truyền thuyết Nhật Bản
Trong văn hóa Nhật Bản, ánh trăng rằm Trung thu gắn liền với hình ảnh Thỏ Ngọc giã thuốc – một truyền thuyết mang đậm màu sắc nhân văn và lòng từ bi.
Câu chuyện kể rằng, có một ông tiên cải trang thành người nghèo, xuống trần gian để thử lòng muôn loài. Khi gặp ba con vật là khỉ, cáo và thỏ, ông xin thức ăn. Khỉ hái quả, cáo bắt cá, còn thỏ không có chút thức ăn nào nên đã nhảy vào lửa để hiến thân. Cảm động trước lòng vị tha, ông tiên đã đưa thỏ lên cung trăng, để linh hồn của nó mãi mãi sống trong sáng, và từ đó, thỏ được giao nhiệm vụ giã thuốc trường sinh cho các vị thần.
Hình ảnh thỏ giã thuốc dưới ánh trăng trở thành biểu tượng trong đêm Trung thu tại Nhật, và được tái hiện trong nhiều tác phẩm tranh vẽ, truyện tranh và phim hoạt hình.

Tết Trung thu không chỉ là dịp lễ mang tính cộng đồng mà còn là kho báu của những truyền thuyết đầy màu sắc văn hóa. Dù là Hằng Nga cô đơn nơi cung nguyệt, chú Cuội ngồi buồn bên gốc đa hay Thỏ Ngọc giã thuốc vì lòng thiện lành, tất cả đều phản ánh ước mơ, niềm tin và giá trị nhân văn sâu sắc của người xưa. Những câu chuyện ấy không chỉ làm phong phú thêm ý nghĩa của Tết Trung thu, mà còn trở thành chất xúc tác gắn kết các thế hệ để mỗi mùa trăng về lại thêm phần trọn vẹn.
——————–
Website: https://banhkinhdo.com/
Điện thoại: 0981348789
Zalo: 0981348789
Email: thanghoa1695@gmail.com
Địa chỉ: 57 Hạ Đình, P. Thanh Xuân Trung, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội
Page Facebook: https://www.facebook.com/tettrungthukinhdo